Hà Nội ghi nhận hàng trăm ca mắc sởi, tay chân miệng; Phẫu thuật thành công khối u 15 kg cho bệnh nhân... là những tin nóng y tế 24h qua.
Hà Nội ghi nhận hàng trăm ca mắc sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ 7.3 đến 14.3, thành phố ghi nhận 131 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng 11 ca so với tuần trước.
Trong số các quận, huyện có nhiều ca bệnh nhất, Hà Đông dẫn đầu với 17 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (13 ca), Thanh Trì và Thường Tín (mỗi nơi 11 ca), Bắc Từ Liêm và Đống Đa (mỗi nơi 9 ca).
Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 14.3, Hà Nội đã ghi nhận 876 ca mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi đó, cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh nào.
Bệnh nhân mắc sởi phân bố theo nhóm tuổi: 97 trường hợp dưới 6 tháng (11,1%), 131 trường hợp từ 6-8 tháng (15%), 100 trường hợp từ 9-11 tháng (11,4%), 196 trường hợp từ 1-5 tuổi (22,4%), 136 trường hợp từ 6-10 tuổi (15,5%) và 216 trường hợp từ 10 tuổi trở lên (24,7%).
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi gia tăng chủ yếu ở nhóm chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới số ca bệnh sẽ còn tăng.
Trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 72 trường hợp mắc tay chân miệng tại 26 quận, huyện, thị xã, tăng 19 ca so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận 290 ca bệnh, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2024. Trong tuần qua, một ổ dịch tay chân miệng đã xuất hiện tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Xem thêm

Lo ngại dịch sởi bùng phát theo chu kỳ 5 năm 1 lần
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (hiện được đổi tên thành Cục Phòng bệnh) (Bộ Y tế) đánh giá, dịch sởi bùng phát theo chu kỳ mỗi 5 năm và hiện đã đúng vào chu kỳ dịch, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao.
Thứ nhất, trong thời gian dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi.
Thứ 2, trong năm 2023, nửa năm 2024 có những lúc chúng ta thiếu vaccine sởi cục bộ do cơ chế mua sắm.
Thứ 3, dù chúng ta có đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.
"Số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, cộng với đặc điểm dịch tễ lây nhanh, lây mạnh nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Bên cạnh đó, vaccine sởi có hiệu lực bảo vệ cao, nhưng cũng chỉ được 90-95%. Đây cũng là lý do sởi có chu kỳ 5 năm 1 lần", TS Phu phân tích.
Nắng nóng 37-38 độ C ở Nam Bộ, bác sĩ mách cách bảo vệ da
Nam Bộ đang trải qua mùa khô với những đợt nắng nóng gay gắt 37-38 độ C kéo dài, người dân cần có chế độ bảo vệ và chăm sóc da đúng cách.
ThS.BS Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho hay, ở Việt Nam, đặc biệt là mùa nắng nóng, người dân cần theo dõi chỉ số UV. Có những ngày, chỉ số này rất cao và ở mức cảnh báo cực đoan. Xem thêm

Phẫu thuật thành công khối u 15 kg cho bệnh nhân
Chị D.T.T (Cẩm Khê, Phú Thọ) đi khám và phát hiện khối u buồng trứng từ năm 2022. Do tâm lý sợ phẫu thuật, chị đã nghe theo lời người quen mua thuốc nam về tự điều trị tại nhà.
Sau hơn một năm duy trì uống thuốc nam, phần bụng của người bệnh ngày càng phình to, chân tay gầy gò một cách bất thường nên đã dừng uống thuốc nam. Tuy nhiên, tình trạng này không cải thiện, bụng vẫn tiếp tục phình to gây khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, người bệnh đã đến khám tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Tại Khoa Phẫu thuật ung bướu, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cắt khối u buồng trứng. Sau khoảng 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công lấy khối u khổng lồ nặng 15kg ra khỏi bụng người bệnh. Sau phẫu thuật, tình trạng người bệnh ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa.

BSCKII. Đỗ Mạnh Hải – Trưởng khoa Phẫu thuật Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết, u buồng trứng là bệnh lý thường gặp và đa số là lành tính. Nhưng người bệnh T. trên đây là một trường hợp khá hy hữu bởi kích thước khối u rất lớn, lên đến 15kg. Nếu không được điều trị, khối u sẽ chèn ép các tạng lân cận, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Qua đây, BSCKII. Đỗ Mạnh Hải cũng khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không nên tự mua thuốc về uống, đặc biệt là các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, thuốc theo quảng cáo, truyền miệng chưa được kiểm chứng… để tránh hậu quả nguy hiểm tới sức khỏe.