Ngày 1/7, báo chí đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.
Lĩnh vực xuất khẩu
Hôm nay ngày 1/7, báo điện tử vietnamnet đăng tải thông tin: "55 tấn vải thiều 'cháy hàng' sau 48 giờ livestream trên TikTok"
Hơn 55 tấn vải thiều đạt chuẩn Global GAP 'cháy hàng' sau 48 giờ livestream trên TikTok. Lần đầu, lãnh đạo tỉnh, nông dân và các nhà sáng tạo 'lên sóng' giữa vườn vải, mở ra hướng đi mới cho nông sản Việt trên nền tảng số.
Chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt” do TikTok Shop phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang (cũ) và Sendo Farm tổ chức từ ngày 27/6 đến 3/7. Chỉ riêng trong hai ngày 28 - 29/6, hơn 55 tấn vải thiều đạt chuẩn xuất khẩu Global GAP đã được bán hết qua các phiên livestream, đánh dấu một thành công vượt ngoài mong đợi.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt là phiên livestream diễn ra ngay tại vườn vải, với sự tham gia trực tiếp của ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (cũ), cùng các nhà sáng tạo nổi tiếng như Ngọc Kem, Mẹ Sam Review, Anh Tây Ơi, Master Chef Hải… và những người nông dân Lục Ngạn.

Hơn 55 tấn vải thiều đạt chuẩn xuất khẩu Global GAP đã được bán hết qua các phiên livestream, đánh dấu một thành công vượt ngoài mong đợi. Ảnh BTC
Báo Tiền phong điện tử đưa tin: "Đưa nông sản Việt vượt bão thuế, hướng tới kim ngạch 65 tỷ USD"
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025 để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm nay có nhiều biến động phức tạp khó lường về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới, tác động trực tiếp và sâu sắc đến ngành nông nghiệp. Đặc biệt, khi kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm và ngay từ những tháng đầu năm nay Mỹ thay đổi chính sách thuế quan tiếp tục tạo ra những biến động đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, nông sản đạt 18,3 tỷ USD, thủy sản 5 tỷ USD, lâm sản 8,7 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực như gạo và rau quả sụt giảm kim ngạch.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 31,6 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương sụt giảm khoảng 1,6 tỷ USD trong trường hợp Mỹ duy trì mức thuế đối ứng như hiện nay.
Trang thesaigontimes.vn đưa tin: "Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn 14% sau 6 tháng"
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 57 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 33,5 tỷ đôla, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024 và nhập khẩu đạt 23,5 tỷ đôla, tăng 12,8%.
Trong xuất khẩu, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 18,3 tỷ đôla, tăng 16,8%; chăn nuôi ước đạt 264 triệu đôla, tăng 10,1%; thủy sản ước đạt 5 tỷ đôla, tăng 14,5%; lâm sản đạt 8,7 tỷ đôla, tăng 8,8%...
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của 9/11 nhóm mặt hàng tiếp tục đà tăng trưởng gồm cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chăn nuôi, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Hai mặt hàng đang giảm về giá trị xuất khẩu là gạo đạt 2,6 tỷ đôla, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và rau quả đạt 2,7 tỷ đôla, giảm 17,1%.
Lĩnh vực năng lượng
Báo Khánh Hòa đăng tải thông tin: "Mở ra vị thế trung tâm năng lượng quốc gia"
Khánh Hòa sau sáp nhập mở ra dư địa phát triển đột phá. Trong đó, việc trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước sẽ tạo ra tiềm lực lớn cho phát triển kinh tế.
Tỉnh Khánh Hòa mới đang sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, từ các dự án hiện hữu đến tiềm năng chưa được khai thác, định hình rõ nét vai trò trung tâm năng lượng của khu vực và cả nước. Hiện phía bắc tỉnh Khánh Hòa (thuộc tỉnh Khánh Hòa cũ) có 9 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 580,6MW đi vào hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng công suất 1.320MW mỗi năm cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh thông qua hệ thống đường dây truyền tải 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đóng góp khoảng 3% lượng điện quốc gia.
Trong khi đó, khu vực nam Khánh Hòa (gồm các xã, phường thuộc Ninh Thuận cũ) đang khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vượt trội về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Với khí hậu khô hạn đặc trưng, vùng này hội tụ tiềm năng lớn để đẩy mạnh phát triển điện gió (gần bờ, ngoài khơi), điện LNG (khí hóa lỏng) và các nguồn năng lượng mới khác như hydro, thủy triều, sinh khối... Trên địa bàn khu vực này có 57 nhà máy điện đang vận hành, với tổng quy mô công suất 3.749,942MW, gồm 35 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 2.466,792MW; 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 667,25MW; 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất 329,5MW. Ngoài ra, đây là địa phương duy nhất tính đến nay đã quy hoạch 5 khu vực điện gió ngoài khơi với công suất tiềm năng vượt 5.000MW.
Với những nhà máy điện đang vận hành, tỉnh Khánh Hòa mới đã trở thành trung tâm năng lượng và năng lượng sạch lớn của cả nước với tổng công suất nguồn theo Quy hoạch điện VIII dự kiến lên tới 22.242MW (Ninh Thuận 19.689MW; Khánh Hòa 2.553MW). Đến nay, đã có 5.773MW đi vào hoạt động (Ninh Thuận 3.750MW; Khánh Hòa khoảng 2.023MW), chiếm 7,2% tổng nguồn cung cả nước, khẳng định vị thế tiên phong trong bức tranh năng lượng quốc gia.
Lĩnh vực thương mại điện tử
Báo Pháp luật đưa tin: "Số lượng nhà bán hàng Việt tăng mạnh trên sàn Alibaba"
Nền tảng thương mại điện tử toàn cầu Alibaba vừa công bố số liệu được đo lường trong mùa cao điểm kinh doanh giữa năm. Theo đó, số lượng nhà bán hàng đến từ Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, số lượng nhà xuất khẩu mới tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái (từ tháng 4 đến tháng 6/2024), cùng với đó lượng sản phẩm được niêm yết bởi các thương nhân Việt tăng tới 54%. Điều này cho thấy các nhà bán hàng Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã đánh giá cao xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử B2B (mô hình giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Cũng trong lần công bố số liệu này, đại diện Alibaba cho biết, đơn vị này đã chính thức mở rộng cuộc thi “CoCreate Pitch” (nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên CoCreate của công ty), nhằm tìm kiếm các ý tưởng sản phẩm muốn kinh doanh của các doanh nghiệp SME trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ tranh tài và để giành giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
Theo đó, cuộc thi sẽ diễn ra tại hai địa điểm Las Vegas (Mỹ) vào tháng 9 và London (Anh) vào tháng 11. Trong đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lựa chọn và tranh tài với các đơn vị quốc tế khác tại Las Vegas. Các bài thi sẽ được đánh giá dựa trên độ sáng tạo, tính khả thi và tiềm năng đưa sản phẩm ra thương mại hóa trên toàn cầu.
Lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế
Báo điện tử Công an nhân dân đăng tin: "EVFTA - cú hích lớn cho xuất khẩu Việt sang EU"
Sau 5 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã trở thành cú hích quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam. Những ngành hàng XK chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông sản và thủy sản đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng châu Âu, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp Việt.
Kết quả khảo sát cũng phản ánh sự ghi nhận ngày càng rõ rệt từ phía DN đối với những lợi ích thiết thực mà EVFTA mang lại. “Thật đáng khích lệ khi có tới 98,2% DN được khảo sát cho biết, họ đã biết đến EVFTA”, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho hay. Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong năm qua là tỷ lệ DN xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt từ 29% trong quý II/2024 lên đến 61% trong quý II/2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của hiệp định.
Tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020, theo số liệu của Bộ Công Thương. Nếu năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 49,8 tỷ USD, thì đến cuối năm 2024, con số này đã tăng lên 68,4 tỷ USD.
Báo Công Thương